Cao Bằng thực hiện hiệu quả một số giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo

Thành viên: Nguyễn Thị Nga  |   Bài viết: 5 |  Thứ ba - 25/12/2018 10:40
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Thực hiện nội dung của Nghị quyết số 29, Cao Bằng đã áp dụng nhiều giải pháp phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tỉnh Cao Bằng được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12/2015 với 190/199 xã đạt chuẩn.
Tỉnh Cao Bằng được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12/2015 với 190/199 xã đạt chuẩn.
 
Trong những năm qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí tuyên truyền rộng rãi trong xã hội về tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 và các văn bản của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, của tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29 cho lãnh đạo các trường, trung tâm trực thuộc Sở GD&ĐT; triển khai quy hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung quy hoạch mạng lưới trường, lớp, phát triển  nguồn nhân lực.

Nhờ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, khai thác, sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, đến nay, toàn tỉnh có 655 trường mầm non và phổ thông, trong đó có: 190 trường mầm non, 245 trường tiểu học, 190 trường THCS, 30 trường THPT, 13 trung tâm GD nghề nghiệp-GD thường xuyên, 01 trung tâm GD thường xuyên tỉnh, 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Hướng nghiệp tỉnh, 01 Trung tâm Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật, 01 trường Cao đẳng Sư phạm, 02 trường Trung cấp chuyên nghiệp, 199 trung tâm học tập cộng đồng; cơ sở, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới; quan tâm giáo dục vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

 


Công tác phổ cập giáo dục, xây dựng trường học chuẩn quốc gia các cấp được quan tâm thực hiện (hết năm 2015, toàn tỉnh có 83 trường đạt chuẩn quốc gia). Đây là điều kiện quan trọng và cần thiết để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn tỉnh, hiện có 13/13 huyện, thành phố, 199/199 xã, thị trấn duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS; 197/199 xã duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong đó có 27 xã đạt chuẩn mức độ II, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng kế hoạch, đạt mục tiêu, tỉnh Cao Bằng được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12/2015 với 190/199 xã đạt chuẩn.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành triển khai sáng tạo, có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới và phát triển GD&ĐT, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm làm chuyển biến rõ rệt chất lượng giáo dục toàn diện với phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Từ đó từng bước thay đổi từ tư duy, nhận thức về mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra – đánh giá, thi cử cho đến cách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, nội dung và phương pháp quản lý giáo dục. Các giải pháp được triển khai thực hiện ở từng cấp học cụ thể như sau:

Cấp tiểu học: Thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ GD&ĐT; tiếp tục triển khai có hiệu quả việc dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam (GPE-VNEN), trong đó chú trọng các giải pháp tăng cường tiếng Việt, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; việc dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục được tăng cường để đảm bảo học sinh lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt.

Cấp trung học: Triển khai mô hình trường học mới đối với lớp 6 cấp THCS; tổ chức tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật toàn quốc (năm 2016 đoàn Cao Bằng đoạt 02 giải Ba toàn quốc); thực hiện sinh hoạt, trao đổi, quản lý các hoạt động chuyên môn qua mạng internet trên trang “Trường học kết nối”; đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo “nghiên cứu bài học”, dạy học theo chủ đề; tham dự cuộc thi “Dạy học theo chủ đề thích hợp”, “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn” do Bộ GD&ĐT tổ chức; thực hiện đồng bộ đổi mới phương thức dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, tăng cường kỹ năng thực hành và vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.

Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo tinh thần đổi mới của Cao Bằng năm học 2014-2015 đạt 90,3%; năm học 2015-2016 đạt 92,73%.

Công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chú trọng. Hàng năm, ngành GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng dạy học; tăng cường công tác kiểm tra kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đối với giáo viên các cấp học trong toàn tỉnh nhằm phân loại giáo viên, có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và đào tạo, đào tạo lại đội ngũ nhà giáo; phát động phong trào tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới trong toàn ngành, qua đó chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác GD&ĐT ngày càng được nâng lên.

Toàn tỉnh hiện có 100% giáo viên từ mầm non đến trung học có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó có 48,1% giáo viên mầm non; 53,8% giáo viên tiểu học; 44,2% giáo viên THCS; 4,1% giáo viên THPT có trình độ đào tạo trên chuẩn. 100% giáo viên, cán bộ quản lý được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động dạy, học và các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới. Toàn tỉnh có 398/478 giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học ngoại ngữ (theo chuẩn năng lực ngoại ngữ 06 bậc dành cho Việt Nam).

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đề ra, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo sát sao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành GD&ĐT thực hiện đổi mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong tình hình mới.

Nguồn tin: khcncaobang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Các tin khác

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây